Trị vì Tây Ngụy Cung Đế

Cung Đế thậm chí còn bất lực hơn phụ thân và huynh trưởng, và quyền lực vẫn nằm trong tay nhà Vũ Văn. Cung Đế lập Nhược Can vương phi làm hoàng hậu. Đến năm 554, Vũ Văn Thái hạ độc giết chết Phế Đế. Cuối năm đó, một đội quân do Vũ Văn Thái phái đi do Vu Cẩn (于謹) chỉ huy đã chiếm được kinh thành Giang Lăng (江陵, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc) của Lương, bắt giữ và xử tử Lương Nguyên Đế. Đến mùa xuân năm 555, Cung Đế phong Tiêu Sát, một cháu trai của Nguyên Đế, làm hoàng đế của Lương (tức Tuyên Đế), song Tiêu Sát không được hầu hết các bá quan văn võ Lương công nhận, thay vào đó họ công nhận Tiêu Uyển Minh (蕭淵明), một người được Bắc Tề ủng hộ, làm hoàng đế.

Đến năm 555, Vũ Văn Thái yêu cầu Hoài An vương Thác Bạt Dục (拓拔育) trình một đề xuất cho Cung Đế để giáng các thân vương xuống tước công, và Cung Đế đã phê chuẩn. Vào mùa xuân năm 556, theo ý của Vũ Văn Thái nhằm tổ chức lại cơ cấu chính quyền để tương ứng với cấu trúc của nhà Chu, triều đình được tái tổ chức thành lục bộ.

Mùa thu năm 556, khi Vũ Văn Thái đang đi kinh lý các châu miền bắc, ông ta lâm bệnh tại Khiên Đồn sơn (牽屯山, nay thuộc Cố Nguyên, Ninh Hạ). Vũ Văn Thái đã triệu cháu trai của mình là Vũ Văn Hộ đến Khiên Đồn sơn và ủy thác các công việc của đất nước cũng như các con trai của ông ta cho Vũ Văn Hộ. Vũ Văn Thái qua đời ngay sau đó, và người con trai mới 14 tuổi Vũ Văn Giác đã kế thừa tước hiệu của ông, trong khi Vũ Văn Hộ nắm quyền kiểm soát đất nước. Cung Đế sau đó buộc phải phong cho Vũ Văn Giác tước hiệu lớn hơn là Chu công.

Đến mùa xuân năm 557, Vũ Văn Hộ cho rằng Vũ Văn Giác cần danh hiệu hoàng đế để khẳng định quyền lực nên đã buộc Cung Đế phải nhường ngôi, chấm dứt triều đại Tây Ngụy và lập nên triều đại Bắc Chu.